Những nguyên tắc chế biến thực phẩm cho trẻ ăn dặm

Nên cho trẻ ăn bổ sung từ 6 tháng tuổi

Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng, trẻ nên bắt đầu được ăn dặm từ khi tròn 6 tháng tuổi bởi lúc này nguồn năng lượng từ sữa mẹ không còn đủ cung cấp cho sự phát triển của trẻ. Cho trẻ ăn dặm nên thực hiện một số nguyên tắc: Nên tận dụng các nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương, chọn rau củ theo mùa để đảm bảo an toàn thực phẩm; Chế biến thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt, hợp khẩu vị của trẻ; Không nên cho gia vị mắm muối vào thức ăn của trẻ dưới 1 tuổi, vì có thể ảnh hưởng đến chức năng thận của trẻ.

Cho trẻ ăn từ loãng tới đặc, từ ít tới nhiều, tập cho trẻ ăn quen dần với thức ăn mới. Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi; Bổ sung thêm các loại thực phẩm tạo nên màu sắc thơm ngon, hấp dẫn và đủ chất; Bổ sung thêm dầu hoặc mỡ, hoặc vừng, lạc (mè, đậu phộng) để cung cấp thêm năng lượng giúp trẻ mau lớn;

Không cho trẻ ăn bánh ăn dặm, uống nước ngọt trước bữa ăn vì sẽ làm cho trẻ chán ăn, bỏ bữa hoặc ăn ít đi trong bữa ăn; Tất cả dụng cụ chế biến phải sạch sẽ. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.

Thực đơn phải đảm bảo dinh dưỡng

Thực đơn ăn dặm của trẻ cần có đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất:

Nhóm tinh bột: Sử dụng gạo tẻ, gạo tám mới, không nên trộn lẫn gạo nếp (gây đặc khó ăn vì có gluten) ý dĩ, hạt sen, đậu xanh (vì dễ gây cảm giác ngán, khó ăn và khó tiêu).

Nhóm chất đạm: Thịt, cá, trứng sữa, cua, tôm… là những thực phẩm chứa nhiều đạm. Khi mới bắt đầu tập ăn bổ sung, nên dùng thịt nạc (lợn, gà), lòng đỏ trứng gà giàu đạm, béo, dễ tiêu. Từ tháng thứ 7 có thể cho ăn thịt bò, cá, tôm, cua…. Tháng thứ 8 trở đi trẻ cần ăn đa dạng hơn.

Nhóm vitamin và khoáng chất: Cà rốt, củ cải, rau ngót, rau dền, chuối, cam, đu đủ…

Nhóm chất béo: Trẻ cần được ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật (mỡ gà, mỡ lợn...), với tỷ lệ tốt nhất là tỷ lệ 1:1 (người trưởng thành là 2:1). Nên cho ăn đa dạng các loại dầu thực vật (đậu nành, mè, ôliu, ...), riêng dầu gấc chỉ nên cho ăn 1- 2 lần/tuần để tránh vàng da do thừa caroten. Đặc biệt lưu ý phải cho trẻ ăn lượng dầu/mỡ phù hợp trong các bữa ăn. Khi bắt đầu ăn bổ sung mỗi bữa cần cho 2,5ml dầu/mỡ, 8 tháng trở lên 5ml, gần 1 tuổi trở 7,5-10ml/bữa theo nguyên tắc một bữa dầu, một bữa mỡ.

Những nguyên tắc chế biến thực phẩm cho trẻ ăn dặm - Ảnh 1.

Các bước chuẩn bị một bữa ăn dặm cho trẻ

Sơ chế thực phẩm: Các loại thịt, cá, tôm... cần rửa sạch, để ráo nước. Nếu trước đó thực phẩm được bảo quản trong ngăn đá thì cần rã đông hoàn toàn trước khi sử dụng, chú ý rã đông đúng cách. Có thể hấp trước khi băm hoặc xay nhuyễn.

Rau củ: Nhặt sạch và ngâm nước muối. Sau khi sơ chế sạch sẽ và cắt nhỏ đem hấp chín, xay hoặc băm nhỏ.

Chế biến: Đong đủ lượng nước và bột/gạo cho vào xoong, nồi rồi nấu chín. Lưu ý quấy đều tay để bột không bị vón, cháo không bị cháy. Cho trứng đã đánh tan hoặc cho thịt, cá, tôm... đã băm nhỏ vào nồi bột/cháo. Cho bột sôi trong 5 - 7 phút, thêm rau xanh và một chút dầu ăn. Bột sôi lại nhắc xuống đổ bột ra bát, khi bột nguội ấm xúc cho trẻ ăn.

Hoặc cũng có thể cho thịt, cá, tôm… hòa với một nước và bột rồi cho lên bếp nấu. Đun sôi trong khoảng 5-7 phút, thêm rau củ, dầu ăn, đun cho bột sôi lại là được. Bột chín bằng mắt thường có thể cảm nhận được là khi đổ ra bột đã róc xoong, nồi. Để nguội bớt rồi cho trẻ ăn.

Ngoài nấu bột, có thể nấu cháo rồi dùng máy xay sinh tố xay cho trẻ ăn. Nhưng từ 12 tháng bắt buộc phải cho trẻ ăn cháo hạt và ăn các thực phẩm khác như cơm nát, mỳ, bún, phở. Không nên lạm dụng máy xay sinh tố làm trẻ lười nhai dẫn đến biếng ăn.

Dinh dưỡng cho trẻ 7- 12 tháng tuổi

Trẻ 7-8 tháng tuổi: Khi bắt đầu ăn bổ sung, nên tập ăn cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn lượng tăng dần, độ đặc tăng dần. Lúc đầu cho ăn 2-3 thìa bột mỗi lần, mỗi ngày cho trẻ ăn từ 2-3 lần. Thời gian làm quen này không quá 2 tuần. Khi trẻ đã quen với thức ăn mới, có thể tăng dần từ 2-3 bữa bột một ngày (mỗi bữa từ 1/2 - 2/3 bát ăn cơm).

Cho trẻ uống thêm nước ép trái cây như nước cam, bưởi, đu đủ… Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu. Với những trẻ không được bú mẹ vì lý do nào đó thì cần cho trẻ uống 600-700ml sữa/ngày (bao gồm sữa công thức, sữa chua, pho mai…).

Trong thực đơn hàng ngày cần đảm bảo lượng đạm từ 10 - 15g, bột gạo từ 40 - 80g, rau xanh từ 25g. Mẹ có thể tham khảo một số thực đơn cho trẻ như: Cháo tim gà, rau cải, bí xanh nghiền; cháo cá thịt trắng và cà rốt; cháo thịt gà bí đỏ…

Trẻ 9 - 10 tháng tuổi: Cho trẻ ăn 3 bữa bột đặc/ngày, mỗi bữa từ 3/4 đến miệng bát. Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu. Với những trẻ không được bú mẹ vì lý do nào đó thì cần cho trẻ uống thêm 500 - 600ml sữa/ngày (bao gồm sữa công thức, sữa chua, pho mai…).

Giai đoạn này đa số các loại thực phẩm bé đều đã có thể ăn được. Đa số các bé cũng đã mọc 2 - 4 răng sữa và đã có thể nhai, gặm được những loại thực phẩm mềm. Những thực đơn ăn dặm cho bé giai đoạn này các mẹ có thể tham khảo: cháo trứng gà khoai lang, cháo tôm mướp, cháo thịt bò cải thảo…

Trẻ 11 - 12 tháng tuổi: Giai đoạn này bé đã có thể nhai được, các loại thức ăn đều có thể không nhất định phải nghiền nhuyễn nữa. Đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp bé bổ sung dưỡng chất tốt hơn. Cho trẻ ăn 3 bữa bột đặc/ngày, mỗi bữa từ 3/4 đến miệng bát. Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu. Với những trẻ không được bú mẹ vì lý do nào đó thì cần cho trẻ uống thêm 500 - 600ml sữa/ngày (bao gồm sữa công thức, sữa chua, pho mai…).


Nguồn:
Sức Khỏe & Đời Sống
Chia sẻ bài viết này
Vcare & tagline
VCare cung cấp dịch vụ lưu trú được thiết kế chuyên biệt Đầu tiên & Duy nhất tại Việt Nam để phục vụ các khách hàng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe mong muốn lưu trú gần bệnh viện.
Chúng tôi cam kết mang đến cho quý khách trải nghiệm lưu trú An tâm - Tiện nghi.
📍243 Trần Hưng Đạo, Phường 10, Quận 5, TP.HCM
📞 03-6573-0574
✉️ hotro@vcareliving.com
© 2023 VCare Living. All rights reserved.