Chấn thương thường gặp của người chơi thể thao và cách phòng tránh

Tập luyện thể thao là hoạt động tốt cho sức khỏe. Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ vận động vừa sức là nền tảng cho cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích mà thể thao mang lại, người chơi thể thao (cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên) đều phải đối mặt với những chấn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm ở Mỹ có gần 10 triệu trường hợp gặp phải chấn thương do chơi thể thao. Tại Việt Nam, con số này cũng có thể lên đến hàng nghìn người. Do đó, những người chơi thể thao cần được tư vấn và hướng dẫn cách vận động phù hợp để phòng ngừa chấn thương.

Người chơi thể thao cần hiểu rõ cơ thể mình để lựa chọn môn thể thao phù hợp, tránh những chấn thương nguy hiểm. Ảnh: Nutrihome.
Người chơi thể thao cần hiểu rõ cơ thể mình để lựa chọn môn thể thao phù hợp, tránh những chấn thương nguy hiểm. Ảnh: Nutrihome.

Những chấn thương người chơi thể thao thường gặp

Giãn cơ, bong gân mắt cá, đau cẳng chân... là những chấn thương thường gặp nhất ở những người chơi thể thao. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Y học Thể thao Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Y học Thể thao - Vận động Trung tâm Dinh dưỡng - Y học Vận động Nutrihome sẽ chỉ ra nguyên nhân trong từng trường hợp cụ thể.

Giãn cơ: Xảy ra khi người chơi thể thao không khởi động kỹ trước khi tập luyện, thi đấu, các sợi cơ bị kéo căng quá mức. Cơ bị kéo căng có thể dẫn đến một số sợi cơ bị đứt, nếu toàn bộ bó cơ bị đứt, bạn sẽ bị đứt cơ nghiêm trọng.

Đứt gân khuỷu tay: Do người chơi thể thao phải dùng lực khuỷu tay nhiều như cầu lông, quần vợt, bóng chuyền... nguy cơ đứt gân khuỷu tay sẽ rất cao.

Chấn thương gân kheo: Những vận động viên bộ môn nhảy xa, điền kinh, chạy vượt rào, lướt ván nước... chân bị căng giãn quá mức trong khi thi đấu tập luyện thường gặp những chấn thương này. Thông thường, họ phải mất khoảng một năm để hồi phục hoàn toàn, nếu trở lại tập quá sớm, có thể khiến chấn thương tái phát.

Chấn thương đầu gối: Có 2 dạng chấn thương đầu gối là rách dây chằng chéo trước và hội chứng đùi bánh chè. Trong đó, rách dây chằng chéo trước là chấn thương thường gặp, xảy ra khi khớp gối phải chịu áp lực liên tục trong quá trình chạy, nhảy hoặc chơi bóng chuyền, bóng đá... gây kích thích dưới nắp gối. Đây là một trong những chấn thương thể thao nghiêm trọng nhất.

Hội chứng đùi bánh chè không nghiêm trọng như rách dây chằng chéo trước và người chơi cần tập thể dục nhẹ nhàng để hồi phục hoàn toàn trước khi quay trở lại sân tập luyện, thi đấu.

Bong gân mắt cá chân: Mắt cá chân được bao phủ bởi vô số các dây chằng có chức năng chính là kết nối các xương lại với nhau và kiểm soát chuyển động của cơ thể. Nếu chuyển động đột ngột khiến mắt cá xoay và bị lật vào trong quá nhanh hoặc bị xoắn mạnh, dây chằng quanh mắt cá, vốn đã yếu, sẽ bị đứt dẫn đến bong gân mắt cá chân. Đó là lý do vì sao các vận động viên tham gia các môn thể thao cường độ cao như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục thường bị bong gân mắt cá chân.

Đau cẳng chân: Thường xảy ra với những người chơi thể thao nghiệp dư, người mới bắt đầu tập luyện và không có giày hỗ trợ phù hợp khi vận động trên bề mặt cứng khiến các cơ gần xương cẳng chân bị đau dẫn đến đau cẳng chân.

Bong gân, đau cẳng chân... là những chấn thương thường gặp ở các vận động viên thể thao. Ảnh: Shutterstock.
Bong gân, đau cẳng chân... là những chấn thương thường gặp ở các vận động viên thể thao. Ảnh: Shutterstock.

Để phòng tránh những chấn thương khi chơi thể thao, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà nhấn mạnh, người chơi cần chọn những môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng như khả năng vận động của bản thân, khởi động đúng cách và cẩn thận trong quá trình tập luyện, thi đấu.

Cách phòng tránh và điều trị các chấn thương khi chơi thể thao

Chấn thương thể thao là tình trạng rất phổ biến, thường xảy ra khi bạn vận động, chơi thể thao không đúng cách. Để phòng ngừa những chấn thương thể thao, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà khuyến cáo người chơi nên tập luyện đúng cách, chọn môn thể thao phù hợp, sửa dụng thiết bị, dụng cụ phù hợp, uống đủ nước.

Tập luyện đúng cách: Tập luyện không đúng cách là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến chấn thương trong chơi thể thao. Nếu bạn luyện tập với cường độ vận động quá mạnh, hoặc hoạt động liên tục, không dừng lại khi cảm thấy đau, bạn có thể sẽ bị chấn thương, thậm chí là những tổn thương nghiêm trọng. Bạn không nên tập luyện quá sức, tăng dần cường độ hoạt động từ nhẹ đến mạnh, dừng lại khi thấy đau. Sau khi tập luyện toàn bộ các cơ bắp cần nghỉ ngơi trong vòng 48 giờ để phục hồi.

Chọn lựa môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe, thể chất: Một số người bẩm sinh đã có những khiếm khuyết như sự khác biệt về chiều dài chân, vòm chân cao, bàn chân phẳng, cột sống dưới cong ra phía trước, xương bánh chè cao hơn bình thường, góc Q cao và những vấn đề khác... nếu luyện tập các bộ môn không thích hợp khiến họ dễ bị chấn thương ở mắt cá chân, đầu gối, hông...

Sử dụng thiết bị dụng cụ thích hợp: Ví dụ đi giày không đúng cách khi chạy bộ, chơi bóng đá... cũng gây ra những chấn thương không đáng có. Để giảm nguy cơ chấn thương, bạn nên chọn giày dép cẩn thận. Chọn giày để ngăn gót chân di chuyển sang một bên và chân được lót đệm đầy đủ.

Uống đủ nước, tránh cơ thể bị mất nước: Nếu uống không đủ nước dẫn đến mất nước, lượng máu trong cơ thể giảm bớt, gây nên tình trạng thiếu oxy ở các cơ bắp, khiến bạn bị hụt hơi, kiệt sức và có nguy cơ cao gặp chấn thương thể thao.

Bác sĩ Y học Thể thao - Vận động của Nutrihome khám, tư vấn và hướng dẫn tập luyện đúng cách cho người chơi thể thao. Ảnh: Nutrihome.
Bác sĩ Y học Thể thao - Vận động của Nutrihome khám, tư vấn và hướng dẫn tập luyện đúng cách cho người chơi thể thao. Ảnh: Nutrihome.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà cho biết, Nutrihome là trung tâm dinh dưỡng đầu tiên đưa bộ môn Y học Thể thao - Vận động vào hỗ trợ điều trị các bệnh lý dinh dưỡng. Trong đó, dịch vụ khám, tư vấn, hướng dẫn tập luyện phòng ngừa chấn thương khi chơi thể thao là một phần của bộ môn này. Đến đây, những vận động viên chuyên nghiệp hay người chơi thể thao không chuyên sẽ được các bác sĩ Y học Thể thao - Vận động khám, tư vấn và hướng dẫn tập luyện đúng cách, phù hợp.

"Các chuyên gia Y học Thể thao - Vận động của Nutrihome đều là những chuyên gia hàng đầu có kiến thức y học sâu rộng về hệ cơ và xương. Những kiến thức này sẽ giúp họ đánh giá chính xác tình trạng, mức độ ảnh hưởng của chấn thương đối với hệ cơ xương khớp cũng như khả năng vận động của người bệnh. Trên cơ sở đó, chuyên gia sẽ đưa ra phác đồ trị liệu hiệu quả nhất", Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà cho biết thêm.

Nguồn:
vnexpress.net
Chia sẻ bài viết này
Vcare & tagline
VCare cung cấp dịch vụ lưu trú được thiết kế chuyên biệt Đầu tiên & Duy nhất tại Việt Nam để phục vụ các khách hàng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe mong muốn lưu trú gần bệnh viện.
Chúng tôi cam kết mang đến cho quý khách trải nghiệm lưu trú An tâm - Tiện nghi.
📍243 Trần Hưng Đạo, Phường 10, Quận 5, TP.HCM
📞 03-6573-0574
✉️ hotro@vcareliving.com
© 2023 VCare Living. All rights reserved.